Tiểu sử Đạo_Quang

Tên thật của Đạo Quang Đế là Miên Ninh (綿寧), sinh ngày 10 tháng 8 năm Càn Long 47 (tức ngày 16 tháng 9 năm 1782) ở trong Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ông là con trai thứ hai của Thanh Nhân Tông Gia Khánh Đế, mẹ là Hiếu Thục Duệ Hoàng hậu Hỉ Tháp Lạp thị. Khi Miên Ninh ra đời, Gia Khánh Đế vẫn còn là Gia Thân vương, Hoàng thập ngũ tử của Càn Long Đế, còn Hỉ Tháp Lạp thị là Đích Phúc tấn. Trước ông, Gia Thân vương đã có con trai cả do Hoà Dụ Hoàng quý phi sinh, được 10 tháng thì chết yểu (sau truy phong Mục Quận vương). Miên Ninh là con của chính thê, người anh thứ xuất lại mất sớm nên không được liệt vào hàng đếm chính thức, do đó Miên Ninh có thân phận cao quý, vừa là con cả lại vừa là đích tử. Ông thông minh hoạt bát từ nhỏ, lại là cháu đích tôn nên rất được lòng Càn Long Đế.

Năm Càn Long thứ 60 (1796), Càn Long Đế thoái vị trở thành Thái thượng hoàng, Gia Thân vương nối ngôi, lấy niên hiệu Gia Khánh, tuyên chỉ sách lập Đích phi Hỉ Tháp Lạp thị làm Hoàng hậu. Năm Gia Khánh 2 (1797), Hoàng hậu bạo băng, Miên Ninh được giao cho Hoàng quý phi Nữu Hỗ Lộc thị nuôi dưỡng. Miên Ninh là người giỏi võ công, tiếng tăm vượt trội trong số các Hoàng tử.

Năm Gia Khánh 4 (1799), tháng 4, Nữu Hỗ Lộc thị được lập làm Kế hậu. Thời điểm đó Hoàng hậu đã sinh 2 đích tử là Hoàng tam tử Miên Khải và Hoàng tứ tử Miên Hân, nhưng Gia Khánh vẫn bí mật lập Hoàng nhị tử Miên Ninh làm Trữ quân vì Miên Ninh thông minh và có chí hơn người, lại mất mẹ từ sớm nên được vua cha thập phần thương yêu. Năm thứ 13 (1808), con trai trưởng của Miên Ninh là Dịch Vĩ ra đời. Sự kiện Thiên Lý giáo vào năm Gia Khánh thứ 18 (1813) diễn ra, ông đích thân đánh giặc, do đó vào tháng 9 được tấn phong tước vị Trí Thân vương (智亲王).

Vào năm Gia Khánh thứ 23 (1818), Trí Thân vương Miên Ninh theo Gia Khánh Đế đi Thịnh Kinh (tên gọi khác của Thẩm Dương) để tế lễ tưởng nhớ tổ tiên. Tối đó hai cha con nghỉ tại Cố cung Thẩm Dương. Tuy nói nơi là cung điện, nhưng thực tế lại khá tồi tàn, chật hẹp, thậm chí còn không bằng với thương phủ Sơn Tây hay phủ đệ của Vương gia. Gia Khánh Đế đưa Miên Ninh tới phòng lò sưởi phía đông của Thanh Ninh cung, lại sai người lấy di vật của Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Thái Tông Hoàng Thái Cực cho Trí Thân vương xem qua. Nhìn những vật phẩm đơn sơ, lại nghe phụ hoàng hồi tưởng lại những năm tháng gian nan lập nghiệp của tổ tiên, Miên Ninh từ đó quyết chí rèn luyện tính tiết kiệm.